Xin kính chào các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên Đán Việt Nam có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên - Địa - Nhân, và là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh...
Người Việt Nam chúng ta có phong tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, dù ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong sự hoà thuận, yêu thương và luôn cầu chúc cho nhau bằng những điều tốt lành, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, tảo mộ, thăm lại ngôi nhà thờ, giếng nước, mảnh sân nhà,... được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu, được về với cội nguồn nơi chôn rau cắt rốn. Chính vì thế mà mọi người đều chuẩn bị cho cái Tết của gia đình mình thật đầy đủ về mọi mặt như trang trí nhà cửa, trồng rau, trồng hoa, làm bánh mứt và cùng nấu những món ăn ngon mang hương vị tết…
Hòa chung không khí đón mừng năm mới. Thư viện trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh xin giới thiệu với các quí thầy cô cùng tất cả các em cuốn sách: “Sự tích bánh chưng bánh giày” - Truyện cổ tích Việt Nam. Cuốn sách do NXB Kim Đồng ấn hành được in trên khổ giấy 14,5 cm x 20,5 cm in xong nộp lưu chiểu quý I /2019 có khổ 13 x 20 cm với những hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt sẽ thu hút các bạn đến với nội dung của cuốn sách. Cuốn sách chỉ dày 17 trang rất thuận tiện cho việc đọc của các con. Ngày xưa ở nước ta, trong số các con của vua Hùng Vương thứ sáu có một hoàng tử là Lang Liêu. Các hoàng tử khác đều văn hay võ giỏi, nhưng đều không thích lao động chân tay, chỉ riêng có hoàng tử Lang Liêu là chăm chỉ và yêu thích trồng trọt. Khi vua Hùng đã già yếu, muốn kén chọn người kế vị, vua phán truyền “Đến ngày hội lớn đầu năm, ai tìm được của ngon vật lạ nhất đem đến để ta tế trời, đất thì được truyền ngôi”.
Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống biển tìm của ngon vật lạ. Riêng hoàng tử Lang Liêu nghĩ mình sẽ dâng vua cha sản vật từ chính đồng quê của mình. Chàng cùng vợ con chăm sóc cho cánh đồng lúa quê hương. Lang Liêu chợt nghĩ: Không gì có thể thay thế được lúa gạo, Trời tròn, Đất vuông. Chàng cùng mọi người chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói thành một thứ bánh vuông, bọc lá xanh. Mọi người cùng nhau mang gạo nếp giã nhuyễn và nặn thành 1 thứ bánh mịn màng, cẩn thận cho từng cái bánh. Ngày hội lớn đầu năm đã đến, mọi người nô nức mang sản vật mà mình đã chuẩn bị để dâng lên vua cha. Các hoàng tử mang của ngon vật lạ các nơi về đông đủ. Bên cạnh những thứ đó, lễ vật của Lang Liêu lại rất đơn giản. Nhưng sau khi nghe Lang Liêu tâu trình về cách làm và ý nghĩa của hai loại bánh. Vua bèn chọn lễ vật Lang Liêu dâng để tế trời đất và đặt tên cho bánh hình vuông là bánh Chưng và bánh hình tròn là bánh Dày. Ông cũng chọn Lang Liêu là người nối ngôi báu. Từ đó nhân dân ta có tục gói bánh Chưng và giã bánh Dày trong dịp tết, chọn những cái ngon nhất đẹp nhất bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Bên cạnh cuốn sách “Sự tích bánh Chưng bánh Dày”, thư viện Trường tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh còn rất nhiều những cuốn sách ý nghĩa nói về ngày tết cổ truyền của chúng ta như cuốn: Sự tích cây nêu ngày tết, 365 ngày mua xuân… Để tìm hiểu thêm về ngày tết cổ truyền, các con hãy đến thư viện tìm đọc nhé.